ĐỂ HỢP TÁC VĂN HÓA VIỆT - NGA ĐI VÀO THỰC CHẤT

Ngày đăng: 18/09/2024 Lượt xem: 36
Mặc định Cỡ chữ

Từ ngày 13-16.9.2024, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đến Liên bang Nga tham dự Diễn đàn quốc tế các nền văn hóa liên kết St.Petersburg lần thứ 10, Đoàn đã thăm và làm việc với nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo nước bạn như Nhạc viện quốc gia N.A. Rimsky Korsakov, Trường Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Moscow, Học viện Sân khấu nghệ thuật Moscow (GITIS) và Học viện Âm nhạc Gnesin. Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do PGS.TS Tạ Quang Đông – thứ trưởng làm trưởng đoàn, thành phần đoàn có PGS.TS Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và ông Nguyễn Đức Thắng – Phó Trưởng phòng Châu Á-Thái Bình Dương, Cục Hợp tác quốc tế.

Thăm Nhạc viện quốc gia St.Petersburg, Đoàn đã được GS.TS Alexei Vasiliev - Giám đốc Nhạc viện tiếp. Hai bên vui mừng trước những kết quả hợp tác trong lĩnh vực đào tạo thời gian qua, trong đó có 5 sinh viên chuyên ngành âm nhạc được Bộ VHTTDL Việt Nam cử sang học chương trình đại học tại trường.

Về kế hoạch thời gian tới, hai bên khẳng định sẽ phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, một số dự án hợp tác âm nhạc với mong muốn đem lại những kết quả tích cực về đào tạo, biểu diễn cũng như các cơ hội thưởng thức và tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới cho giảng viên, sinh viên và người yêu âm nhạc Việt Nam, giới thiệu những giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Hướng đến kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga trong năm 2025, hai bên trao đổi kế hoạch phối hợp tổ chức một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Theo đó, phía Việt Nam đề nghị phía Nga xem xét cử một số nghệ sĩ sang thủ đô Hà Nội biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Bên cạnh đó, do có những khó khăn về thanh toán quốc tế, hai bên dành thời gian trao đổi, cùng định hướng đề xuất các cơ quan chức năng hai nước một số giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh quyết toán các khoản chi phí đào tạo sinh viên Việt Nam tại Nhạc viện quốc gia St.Petersburg.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu cũng đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực đào tạo giữa Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL Việt Nam với Nhạc viện quốc gia St.Petersburg. Theo văn bản do PGS.TS. Lê Anh Tuấn và GS.TS. Alexei Vasiliev ký, hàng năm, phía Việt Nam đặt hàng phía Nga đào tạo dài hạn chương trình đại học chuyên gia 5 năm và các khóa đào tạo ngắn hạn dành cho các giảng viên và học sinh, sinh viên chuyên ngành âm nhạc, thanh nhạc, biểu diễn (khoảng 07 - 10 chỉ tiêu) thuộc các cơ sở đào tạo của Việt Nam sang học tại Nhạc viện quốc gia St.Petersburg, đồng thời tổ chức trao đổi chuyên gia của Nga sang Việt Nam giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam.

 

Bên cạnh hợp tác đào tạo, hai bên cam kết tích cực tăng cường hợp tác, phát triển thêm các hình thức hợp tác khác trong tương lai phù hợp với điều kiện của các bên. Việc ký kết bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở thuận lợi hơn để thúc đẩy hợp tác đào tạo về âm nhạc giữa Nga với Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên sẽ cụ thể hóa các nội dung ký kết, tăng cường trao đổi chuyên môn để góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Tại Trường Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Moscow, Đoàn Bộ VHTTDL Việt Nam đã được bà Shevchenko Elena - Hiệu trưởng nhà trường tiếp và chia sẻ về hợp tác đào tạo lĩnh vực xiếc. Bà Shevchenko Elena cho biết, Trường Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Moscow là nơi đào tạo một số nghệ sĩ xiếc người Việt cho đến nay đã trở thành những tên tuổi nổi tiếng trong ngành xiếc Việt Nam.

Sang năm tới 2025, Trường sẽ tiếp tục nhận học viên người Việt sang du học xiếc, tạp kỹ. Độ tuổi bắt đầu đào tạo là từ 15 tuổi, học viên sẽ được đào tạo song song cả xiếc và trình độ văn hóa phổ thông. Theo đề nghị của phía Việt Nam, hàng năm phía Nga cũng sẽ cử giáo viên sang nước ta, phối hợp tổ chức thi tuyển, lựa chọn các học viên đủ điều kiện gửi sang Nga tu nghiệp. Bên cạnh công tác đào tạo tại chỗ, Trường Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Moscow cũng ngỏ ý sẵn sàng hợp tác trao đổi giáo viên với các cơ sở đào tạo xiếc của Việt Nam, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên, học viên Việt Nam tại Nga.

Tại Học viện Sân khấu nghệ thuật Moscow (GITIS), bà Loseva-Demidova Ekaterina - Phó Hiệu trưởng phụ trách đã dành thời gian tiếp, làm việc với Đoàn Việt Nam. Với thế mạnh là cơ sở đào tạo hàng đầu của Nga về sân khấu, Học viện GITIS đào tạo các chuyên ngành như: kịch, âm nhạc, đạo diễn, diễn viên, thanh nhạc thính phòng, xiếc, lý luận nghệ thuật… Phía Việt Nam đã chia sẻ với bạn về tình hình phát triển của các cơ sở đào tạo, nhà hát thuộc lĩnh vực sân khấu thuộc quản lý của Bộ VHTTDL Việt Nam, đồng thời đề nghị Nga đẩy mạnh hợp tác đào tạo trong lĩnh vực này. Hai bên thỏa thuận, trong thời gian tới Học viện GITIS sẽ hợp tác với Việt Nam về công tác đào tạo theo mô hình ngắn hạn và dài hạn.

Đối với các khóa ngắn hạn, Học viện GITIS sẽ cử giảng viên sang Việt Nam phối hợp với các cơ sở của ta để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ dựng các vở kịch, đồng thời sẵn sàng đón các giảng viên, sinh viên chuyên ngành sân khấu của Việt Nam sang học tập ngắn hạn tại Học viện GITIS. Về hợp tác dài hạn, Học viện GITIS khẳng định sẽ hợp tác đào tạo cho Việt Nam các sinh viên chuyên ngành đạo diễn, múa ballet, thanh nhạc, lý luận…Để triển khai các kế hoạch này, hai bên thống nhất ký Biên bản hợp tác giữa Vụ Đào tạo và Học viện GITIS trong thời gian tới, đồng thời Học viện GITIS đề nghị Bộ VHTTDL Việt Nam tạo điều kiện để hợp tác trực tiếp với các cơ sở đào tạo về sân khấu của Việt Nam.

Thăm và làm việc với Học viện Âm nhạc Gnesin, Đoàn được Hiệu trưởng Ryzhinskiy Alexander đón tiếp. Ông Ryzhinskiy Alexander nhắc lại nhiều kết quả đáng tự hào về hợp tác giữa hai bên, có nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đã tốt nghiệp tại ngôi trường có bề dày lịch sử gần 100 năm này (trong đó có Thứ trưởng Tạ Quang Đông). Về định hướng hợp tác thời gian tới, Học viện Âm nhạc Gnesin khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đào tạo với 3 cơ sở đào tạo âm nhạc của Việt Nam là Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc Huế theo các hình thức đa dạng như tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học tập tại Nga, cử giáo viên, chuyên gia sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho giáo viên, sinh viên Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn.

 

Về ý tưởng thành lập Hội cựu sinh viên Việt Nam-Nga tốt nghiệp các trường văn hóa, nghệ thuật tại Nga, Thứ trưởng Tạ Quang Đông và ông Ryzhinskiy Alexander thống nhất sẽ cùng đẩy mạnh để có thể thành lập Hội, tạo không gian giao lưu hợp tác cho các nhà hoạt động văn hóa, giới nghệ sĩ của hai nước.

Sau buổi tiếp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực đào tạo giữa Vụ Đào tạo và Học viện Âm nhạc Gnesin. Theo văn bản do Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn và Hiệu trưởng Ryzhinsakiy Alexander ký, hai bên dành ưu tiên tập trung hợp tác tổ chức tuyển chọn, đào tạo lưu học sinh Việt Nam tại Nga trong lĩnh vực âm nhạc, thanh nhạc; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam với phía Nga thông qua việc trao đổi giảng viên, sinh viên; nghiên cứu khoa học; tham gia hội thảo; trao đổi tài liệu khoa học và giáo dục, các chương trình giáo dục chung… Năm 2025, Học viện Âm nhạc Gnesin sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam làm việc cụ thể với các cơ sở đào tạo âm nhạc của Việt Nam để triển khai Bản ghi nhớ.

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo với các trường nghệ thuật Liên bang Nga là hoạt động cụ thể triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài” của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện thỏa thuận đạt được trong Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga diễn ra từ ngày 10-11 tháng 9 năm 2024 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì./.

Tin: Nguyễn Anh Tuấn - Bùi Vũ Duy Quang

Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL

Bình luận