Khai thác hiệu quả không gian văn hóa sáng tạo: Phát huy giá trị, nâng tầm văn hóa Thủ đô

Ngày đăng: 02/04/2025 Lượt xem: 30
Mặc định Cỡ chữ

Với việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đã, đang nỗ lực trở thành một trong những điểm sáng của khu vực về trung tâm văn hoá sáng tạo.

Các không gian văn hóa sáng tạo được mở rộng không chỉ khẳng định giá trị văn hóa Thủ đô mà còn thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Hà Nội trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Phát huy giá trị, nâng tầm văn hóa Thủ đô - ảnh 1

Các không gian văn hoá sáng tạo được thành phố liên tục mở rộng, hỗ trợ phát triển. Ảnh: Phường Bách Nghệ

Nếu trước đây, các không gian sáng tạo chỉ tập trung ở một số khu vực trung tâm thì nay, các không gian sáng tạo này đã mở rộng cả về quy mô lẫn hình thức hoạt động.

Không gian sáng tạo không còn bó hẹp trong các phòng triển lãm hay hội trường mà “len lỏi” vào đời sống đô thị, từ những góc phố, quán cà phê nghệ thuật, đến các sự kiện cộng đồng.

Việc lồng ghép không gian sáng tạo vào các chương trình, sự kiện văn hóa đã giúp nâng cao trải nghiệm của người dân, tạo ra sự kết nối bền vững giữa nghệ thuật và công chúng.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU, một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc đã được thiết lập tại Bảo tàng Hà Nội.

Không gian này kết hợp trình diễn nghệ thuật rối nước tại thủy đình, trưng bày các ấn phẩm văn hóa và giới thiệu ẩm thực truyền thống Hà Nội…

Cùng với đó, những thức quà đặc sản của Hà Nội như xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An, cốm Mễ Trì cũng xuất hiện tại không gian sáng tạo. Việc đưa ẩm thực vào không gian đã góp phần nâng tầm giá trị; thể hiện mong muốn của thành phố trong việc xây dựng ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phát huy giá trị, nâng tầm văn hóa Thủ đô - ảnh 2

Sự phát triển của các không gian văn hoá sáng tạo đang góp phần phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô

Ngoài cách làm sáng tạo, đưa không gian văn hóa vào khuôn khổ Hội nghị, thành phố còn có nhiều không gian văn hóa – sáng tạo khác với định hướng riêng biệt.

Trong đó, Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) là một điển hình, nơi các nghề truyền thống được bảo tồn và tái hiện qua các hoạt động thực hành thủ công, giúp người dân và du khách có cơ hội trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa làng nghề. Từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ di sản văn hóa, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển du lịch làng nghề một cách bền vững.

Một không gian khác thu hút sự quan tâm của giới trẻ là Cộng Xưởng. Không chỉ là nơi kết nối các nghệ sĩ trẻ với những chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo mà Cộng Xưởng còn là môi trường lý tưởng để thử nghiệm, phát triển ý tưởng mới và tổ chức các hoạt động nghệ thuật đa dạng.

Với định hướng khuyến khích sự sáng tạo và giao thoa nghệ thuật, Cộng Xưởng đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu nghệ thuật, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo và văn hóa Thủ đô phát triển bền vững.

Không chỉ có Phường Bách Nghệ, Cộng Xưởng, hiện tại, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 200 không gian văn hóa sáng tạo, phản ánh tiềm năng trong phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa Hà Nội.

Điểm chung của các không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn Thủ đô là đều thu hút ngày càng đông sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật cùng công chúng.

Nhằm định hướng phát triển các không gian mang yếu tố bền vững, từ năm 2023, Sở VHTT Hà Nội đã triển khai xây dựng Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo.

Bộ tiêu chí này không chỉ giúp các không gian xác định rõ vị trí của mình trong hệ sinh thái sáng tạo mà còn hỗ trợ thành phố trong việc quy hoạch, kiểm kê và kêu gọi các không gian tham gia vào Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo chính thức của Hà Nội.

Trong thời gian tới, bên cạnh Bộ tiêu chí, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Thủ đô; thúc đẩy phát triển văn hóa sáng tạo trong công cuộc đổi mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, lấy con người làm trung tâm, văn hóa làm thế mạnh, nền tảng tinh thần tạo động lực và nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tích cực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, phối hợp với các địa phương khác nhằm mở rộng sự giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo.

Hình thành 1-2 không gian văn hóa sáng tạo nhằm giới thiệu các hoạt động sáng tạo từ giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương, làng nghề truyền thống, ẩm thực, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể...

Các không gian không dừng lại là nơi trưng bày, giới thiệu mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp người dân và du khách hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô.

Các không gian văn hóa sáng tạo này cũng sẽ là điểm đến lý tưởng để nghệ nhân địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong thời đại mới.

Việc này sẽ giúp tăng cường hiệu quả các hoạt động thiết kế, sáng tạo, đồng thời, góp phần xây dựng mạng lưới không gian văn hóa bền vững, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Có thể thấy, Hà Nội đang hướng đến việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển đô thị bền vững. Khi được đầu tư và hỗ trợ đúng mức, các không gian văn hóa sáng tạo không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật đương đại.

Những không gian này sẽ trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, đồng thời góp phần định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội trên bản đồ khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế Thủ đô sáng tạo.

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận