Tọa đàm về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Ngày đăng: 28/03/2025 Lượt xem: 82
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 27-3, tại Hà Nội, hai cơ quan thuộc Viện Hàn lâm xã hội Việt Nam là Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Nhà xuất bản Khoa học xã hội phối hợp tổ chức tọa đàm “Vai trò của các chủ thể trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và ra mắt cuốn sách “Chọn cho hay chọn bỏ - Thị trường văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” (TS Trần Thị Thủy chủ biên).

Tại cuộc tọa đàm các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ, các doanh nghiệp liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa đã trao đổi dưới sự điều hành của TS Trần Thị Thủy, Phó trưởng phòng nghiên cứu văn hóa, lịch sử Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm.

Các đại biểu đã nhìn lại sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa từ khi là một khái niệm xa lạ của nước ngoài cho đến khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% tổng sản phẩm trong nước (GDP), về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu 3% mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra. Để hoàn thành mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 cần tiếp tục khơi thông đầu tư của khối tư nhân. Số doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp văn hóa ước khoảng 97.000.

Tọa đàm về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Quang cảnh tọa đàm “Vai trò của các chủ thể trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Bản chất các ngành công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế đặc biệt cho nên cần xác định vai trò chủ thể phải là doanh nghiệp tư nhân. Các đại biểu cho rằng, hiện nay việc thể chế hóa chủ trương chính sách, pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân, chưa hỗ trợ các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.

Do vậy, các đại biểu cho rằng, các cơ quan trong tương lai khi chuẩn bị Chiến lược mới cho các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần khắc phục những điểm yếu hiện đại, tạo sức bật để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tọa đàm về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Cuốn sách “Chọn cho hay chọn bỏ - Thị trường văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Ban Tổ chức đã giới thiệu cuốn sách “Chọn cho hay chọn bỏ - Thị trường văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” (TS Trần Thị Thủy chủ biên). Đây là cuốn sách nghiên cứu công phu đầu tiên về thị trường văn hóa Trung Quốc, được xem là tài liệu tham khảo để học tập kinh nghiệm quốc tế, qua đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

 Nguồn: qdnd.vn

Bình luận