Hội thảo khoa học: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay

Ngày đăng: 20/08/2022 Lượt xem: 1.039
Mặc định Cỡ chữ

Trong 2 ngày 15 - 16/8/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay”, sau hơn 5 năm khi di sản văn hoá phi vật thể về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được tổ chức UNESCO ghi danh.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 11 tại Thành phố Addis Ababa, nước Cộng hoà Dân chủ Liên bang Ethiopia.

Để nhìn lại những thành quả sau hơn 5 năm (2016 - 2022), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh và Chương trình hành động quốc gia về Bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá của Chính phủ; được sự cho phép của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Hội thảo có diễn ra thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng, toạ lạc tại số 23 Hoàng Hoa Thám, phường 6, TP. Hồ Chí Minh.

GS.TS. Từ Thị Loan, Nguyên Quyền Viện trưởng,
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), trình bày tham luận.

Quang cảnh toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo khoa học, phiên 1 ngày 15/8/2022,
tại Hội trường C, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

NNƯT. Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Thiên Hương – Nam Định, hầu đồng tại Đền thờ
Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng (TP. Hồ Chí Minh), Ảnh: Hoàng Linh

Quang cảnh toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo khoa học, phiên 2 ngày 16/8/2022,
tại Hội trường Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

PGS.TS. Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng,
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), phát biểu tổng kết Hội thảo.

Đại biểu, nghệ nhân, thanh đồng và thủ nhang chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức Hội thảo
tại phiên 2, ngày 16/8/2022.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 27 bài viết của 32 tác giả và đồng tác giả. Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân ưu tú, thanh đồng, thủ nhang và khách mời đã tập trung thảo luận về các nội dung chính sau:

1). Đánh giá công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị, kiểm kê và tư liệu hoá di sản văn hoá phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, các tập quán, nghi lễ và lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản.

2). Nghiên cứu, đánh giá các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần hoà hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. Tổng kết các bài học kinh nghiệm, mô hình bảo tồn, mô hình hoạt động sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; giáo dục di sản tại các cơ sở công lập và địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các địa phương trong cả nước.

3). Vai trò của các cá nhân, cộng đồng trong hoạt động gìn giữ, thực hành truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

4). Nghiên cứu, đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động quảng bá về giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong và ngoài nước.

5). Nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách quản lý nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản. Đồng thời ngăn ngừa loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, thương mại hoá di sản văn hoá và xử lý các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản gây tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng xã hội.

6). Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hoá, và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội thảo khoa học này cũng là sự chuẩn bị nhằm hướng đến mục tiêu về việc xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình tổ chức UNESCO, đánh giá sức sống và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản văn hoá phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; cũng như những cơ chế, chính sách, giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng thực hành tín ngưỡng trong việc bảo vệ di sản./.

Tin và ảnh: Thanh Quyến

Bình luận