Chuyển tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” trong hoạt động văn hóa đối ngoại: Nâng cao vị thế quốc gia, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày đăng: 03/02/2025 Lượt xem: 45
Mặc định Cỡ chữ

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về chuyển tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, cùng với đó là tăng “hàm lượng” văn hóa trong các hoạt động văn hóa đối ngoại và hợp tác quốc tế về VHTTDL, trong năm qua, hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Văn hóa đối ngoại, hợp tác quốc tế về VHTTDL đang đóng góp mạnh mẽ vào quá trình nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nâng cao vị thế quốc gia, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 1

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh thăm không gian trưng bày giới thiệu văn hóa, du lịch Việt Nam trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ. Ảnh: NGUYÊN HỒNG

Điểm sáng về ký kết văn kiện hợp tác

Năm 2024 có thể coi là năm thành công của lĩnh vực văn hóa đối ngoại, hợp tác quốc tế về VHTTDL. Với tư duy tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, hoạt động văn hóa đối ngoại không chỉ dừng lại ở mức giao lưu mà đi sâu vào tăng cường hợp tác theo hướng thực chất thông qua ký kết các văn kiện hợp tác. Ở nhiệm kỳ này, Cục Hợp tác quốc tế đã tập trung vào công tác tham mưu với lãnh đạo Bộ trong đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác, điều ước, thỏa thuận quốc tế. Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; từ cấp Chính phủ, cấp Bộ, địa phương cho đến hợp tác giữa các thiết chế, cơ sở đào tạo nhân lực về văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, là cơ sở để triển khai các hoạt động thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng văn kiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực VHTTDL được ký kết đã tăng từ 2-3 lần so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Chỉ trong năm 2024, đã có 11 văn kiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực VHTTDL được ký với 2 thỏa thuận nhân danh Chính phủ, 9 thỏa thuận nhân danh Bộ. Nhiều văn kiện được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước; thể hiện cam kết mạnh mẽ về chính trị của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về VHTTDL; tác động trực tiếp vào sự phát triển của ngành. Cùng với việc ký kết, trọng tâm được Bộ VHTTDL chú trọng là hiệu quả thực hiện các văn kiện hợp tác quốc tế. Ngay sau khi tiến hành ký kết, Cục Hợp tác quốc tế đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ để ban hành kế hoạch triển khai, nêu rõ đầu mối thực hiện với những hoạt động cụ thể cũng như lộ trình triển khai.

Trong năm 2024, một trong những văn kiện hợp tác đáng chú ý nhất là Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Pháp và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư Tô Lâm. Việc ký kết là một trong những sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhân chuyến thăm và Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 10 năm đối tác chiến lược và sau đó nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện. Phía bạn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong quá trình dự thảo các điều khoản của chương trình. Bên cạnh việc nhất trí cao với những điều khoản, phía Pháp còn bổ sung một số nội dung có thể triển khai ngay. Cùng với đó, Pháp cũng khởi động nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa, điện ảnh; hỗ trợ Việt Nam quảng bá địa điểm quay phim; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của nước ta…

Nâng cao vị thế quốc gia, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Rachida Dati ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028. Ảnh: MATIN CHANG

Điểm sáng thứ hai phải kế đến là văn hóa đối ngoại đóng góp vào thành công chung của những hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với những nước là đối tác quan trọng và có truyền thống lâu đời với Việt Nam. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc, như một món quà Tổng Bí thư Tô Lâm cùng nhân dân Việt Nam gửi tặng Tổng thống Nga. Tại chương trình, các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam đã có màn trình diễn ấn tượng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật cổ điển mang tầm quốc tế.

Ngay sau đó, từ ngày 1-8.7, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Bộ VHTTDL Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Liên bang Nga tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2024. Sự kiện được đánh giá thành công về mọi mặt khi bên cạnh ý nghĩa chính trị còn thúc đẩy hợp tác hiệu quả, toàn diện VHTTDL giữa hai nước. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga O.B.Liubimova đã khởi động hoạt động của Tổ Công tác Việt Nam - Nga về hợp tác văn hóa; mở ra các hoạt động hợp tác thực chất về đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng quy mô, tính đa dạng cho hoạt động của Những ngày văn hóa tại mỗi nước…

Ngoài ra trong năm qua, việc lần đầu tiên tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tiếp tục khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam. Cùng với những hoạt động văn hóa đối ngoại gắn với chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL cũng chủ động tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại như Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển và Đan Mạch… là những nước có quan hệ truyền thống, đoàn kết với Việt Nam.

Nâng cao vị thế quốc gia, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 3

Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga 2024 đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực

Có thể nói, các hoạt động văn hóa đối ngoại năm qua tiếp tục được tổ chức theo hướng đa dạng, đổi mới, sáng tạo; tăng cường kết hợp tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam với nghệ thuật cổ điển của thế giới. Hình thức tổ chức cũng đa dạng với các tuần phim, triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như về văn hóa, con người Việt Nam... Các sự kiện văn hóa đối ngoại của Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo cấp cao các bên; thu hút sự quan tâm, yêu mến của người dân các nước. Thành công của các chương trình còn đến từ việc các nghệ sĩ được tuyển chọn tham gia đều là tài năng trưởng thành từ những chiếc nôi của nghệ thuật thế giới.

Trong các hoạt động văn hóa đối ngoại, hợp tác quốc tế về VHTTDL, Bộ VHTTDL luôn chú trọng phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực theo đúng tinh thần đưa “cỗ xe tam mã” phát triển; kết hợp giữa văn hóa - du lịch, du lịch - điện ảnh và thậm chí cả điện ảnh - thể thao. Nhờ chú trọng tính liên kết, cách quảng bá VHTTDL đã được làm mới. Trong đó, nổi bật là sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 7. Đây được coi là hình mẫu trong gắn kết xúc tiến, quảng bá du lịch với phát triển văn hóa. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp không chỉ gặp gỡ, giao lưu mà còn giới thiệu những dự án hợp tác cụ thể, ký kết được 9 hợp đồng hợp tác với các đối tác của Hàn Quốc. Nhiều đường bay mới cũng được công bố nhân dịp này, góp phần giúp Việt Nam tăng lượng khách trao đổi.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa tiếp tục có sự kết nối. Kế thừa thành công từ Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) và Chương trình Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt năm 2024 (Bình Định), Bộ VHTTDL tiếp tục đổi mới, phát huy tính liên kết, tổ chức chức Chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ vào cuối tháng 9 vừa qua. Sự kiện nhận được hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, điện ảnh. Thông qua chương trình, nhiều đoàn làm phim quốc tế đã thể hiện mong muốn được đến Việt Nam làm phim trong thời gian tới; mở ra những tiềm năng cho phát triển du lịch, điện ảnh của Việt Nam.

Có một điều cần khẳng định, nhờ chuyển biến tích cực tư duy trong hoạt động văn hóa đối ngoại cũng như hợp tác quốc tế về VHTTDL, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã không ngừng được nâng cao. Cũng nhờ vị thế, uy tín, Việt Nam đã được tín nhiệm, bầu làm thành viên Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003.

Nâng cao vị thế quốc gia, vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 4

Các hoạt động văn hóa đối ngoại góp phần củng cố quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới

Bước sang năm 2025, đây sẽ là năm bận rộn với lĩnh vực văn hóa đối ngoại khi có nhiều hoạt động diễn ra nhân dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ…; 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN; 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, trong năm 2025, Việt Nam sẽ tham dự Triển lãm thế giới EXPO 2025 Osaka, Kansai (Nhật Bản). Diễn ra trong 6 tháng, EXPO 2025 được ví như “sân chơi” quốc tế với sự tham gia của hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại EXPO 2025, Nhà triển lãm của Việt Nam sẽ kể với bạn bè thế giới câu chuyện về văn hóa Việt Nam, với vai trò con người làm trung tâm; theo đúng chủ đề của sự kiện Thiết kế xã hội tương lai - Vì cuộc sống của chúng ta. Các câu chuyện sẽ thể hiện ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của người dân Việt Nam; khẳng định văn hóa tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các hoạt động văn hóa đối ngoại và hợp tác quốc tế về VHTTDL sẽ tiếp tục có sự kết hợp của cả 3 lĩnh vực. Cùng với đó, tăng cường sự hỗ trợ từ phía nước bạn cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, quốc tế.

Hơn nữa, một trong những nhiệm vụ được Bộ VHTTDL chú trọng triển khai trong năm 2025 là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với những nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam. Việc xây dựng, thành lập sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể để tránh hình thức, lãng phí, không hiệu quả.

Trong năm 2025, lĩnh vực văn hóa đối ngoại cũng đặt nhiệm vụ thúc đẩy sự tham gia của các thành phố vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Khi tham gia mạng lưới này, các thành phố của chúng ta sẽ “kích hoạt” được nguồn lực đầu tư, tính sáng tạo trong phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

TS NGUYỄN PHƯƠNG HÒA, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL

Nguồn: baovanhoa.vn

Bình luận