Sáng ngày 18 tháng 11 năm 2024, tại hội trường tầng 3, tòa nhà A, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”
Trong những thập niên vừa qua, phát triển bền vững với trọng tâm là phát triển con người đã và đang trở thành một mục tiêu quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế. Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã ban hành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đặt ra 17 mục tiêu lớn nhằm đưa nhân loại đạt được hòa bình, thịnh vượng và xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030. Chương trình nghị sự 2030 đã được 193 quốc gia thông qua. Tại Việt Nam, vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tiếp đó, vào năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: Trong tiến trình triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, việc giám sát, đánh giá định kỳ và dựa trên các bằng chứng xác thực được coi là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay nhiệm vụ xây dựng một bộ công cụ hoàn chỉnh để đánh giá và giám sát lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được triển khai bài bản và có hệ thống. Các dữ liệu và thông tin về văn hóa do các cơ quan trong và ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu thập, xử lý và công bố còn phân tán nhỏ lẻ, chưa đủ để xác lập nền tảng khoa học vững chắc cho việc hoạch định các chính sách và chương trình phát triển văn hóa. Xuất phát từ bối cảnh thực tiễn này, dựa trên cơ sở nghiên cứu và phân tích kĩ lưỡng các điều kiện trong nước và quốc tế, “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11 năm 2021 đã đề xuất nhiệm vụ “Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững” là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành văn hóa. Nhiệm vụ này hướng tới việc phát triển một hệ thống công cụ đo lường, đánh giá và giám sát mức độ đóng góp của văn hóa vào quá trình triển khai các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương. Kết quả của việc áp dụng Bộ chỉ số văn hóa trên thực tiễn sẽ cung cấp các dữ liệu thực chứng và bằng cứ xác thực về đóng góp cũng như thực trạng phát triển của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và toàn bộ quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đóng góp ý kiến tham vấn trong việc xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững giúp xác lập cơ sở thực tiễn và khoa học cho việc hoạch định và triển khai các chính sách và chương trình can thiệp một cách hiệu quả hơn.
Đại diện Đại biểu phát biểu tại Hội thảo:
Tin/ Ảnh: Nguyễn Thị Phương Lan
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục